Phó Giáo Sư Trẻ Nhất Ngành Y
Mới đây, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024. Theo đó, TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan (39 tuổi) đang công tác tại Bộ môn Hóa sinh, Trường Đại học Y Hà Nội vừa được công nhận Phó Giáo sư (PGS) ngành Y học, đồng thời là một trong 13 nữ PGS trẻ nhất năm.
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan đã có những chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống về hành trình học tập, nghiên cứu nhiều năm liền của mình.
- Chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan! Cảm xúc của bà thế nào khi là một trong 13 nhà khoa học nữ đạt chuẩn chức danh PGS và là nữ PGS trẻ nhất của ngành Y được phong hàm PGS năm nay?
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan: Lời đầu tiên cho phép tôi được gửi lời chào tới các Quý Thầy cô và Quý độc giả của Báo Sức khỏe và Đời sống. Ngày 20/11 vừa mới qua nhưng tôi vẫn xin phép được gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả các thầy cô giáo và các cán bộ làm trong công tác giáo dục.
Khi nhận được quyết định của Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn chức danh PGS trong lĩnh vực Y học năm 2024 là lúc tôi đang học tập và công tác tại Trường Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ. Cảm xúc của tôi khi đó thực sự là xúc động và hạnh phúc vì mình đã đạt được một mốc quan trọng trên con đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tôi thầm biết ơn vô cùng các thầy cô đã dìu dắt, giúp đỡ tôi và cảm ơn sự đồng hành của tất cả các thành viên trong nhóm nghiên cứu trong suốt thời gian qua.
Làm khoa học đã khó vì đòi hỏi nhiều điều kiện chủ quan lẫn khách quan song một cán bộ nữ làm khoa học thì lại càng khó khăn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, với lòng đam mê, vượt khó, làm việc có khoa học và kế hoạch cụ thể trong một nhóm nghiên cứu mạnh thì tôi nghĩ rằng việc nghiên cứu khoa học không còn là quá khó nữa. Mỗi người trong nhóm nghiên cứu đều phát huy tối đa tính năng động, chia sẻ ý tưởng, tăng cường trao đổi, học hỏi lẫn nhau với các đồng nghiệp trong và ngoài nước là những bí quyết để dẫn đến thành công. Và điều đó thì không phân biệt người làm nghiên cứu là nam hay nữ.
PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Lan (thứ hai từ trái sang) cùng nhóm nghiên cứu triển khai thí nghiệm.
- Để có được kết quả như hôm nay hẳn bà đã gặp không ít khó khăn và phải nỗ lực rất nhiều. Bà có thể chia sẻ về quá trình phấn đấu của mình trong thời gian vừa qua cùng một vài câu chuyện đáng nhớ của mình?
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan: Cũng như tất cả các thầy các cô được công nhận học hàm PGS và GS của năm nay, tôi cũng có một quá trình phấn đấu liên tục trong công tác giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học để đạt được các tiêu chuẩn PGS của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Tôi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội năm 2009 với tấm bằng loại Giỏi, tại thời điểm đó tôi đã quyết định xin về công tác ở Bộ môn Hóa sinh của trường. Tôi lần lượt hoàn thành các khóa học đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ trong lĩnh vực Hóa sinh Y học dưới mái trường Đại học Y Hà Nội. Hoạt động nghiên cứu của tôi được bắt đầu khi tôi còn là sinh viên với đề tài khóa luận tốt nghiệp bác sĩ. Ngay sau khi được tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội, tôi bắt tay ngay làm Thạc sĩ trong lĩnh vực gen di truyền.
Tốt nghiệp thạc sĩ, tôi được GS.TS. Tạ Thành Văn - khi đó là Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Phó trưởng Bộ môn Hóa sinh giới thiệu đi học tại Viện công nghệ Kyoto (Nhật Bản) trong 3 tháng. Tại đây, tôi được hòa mình trong môi trường nghiên cứu thực thụ. Các kết quả nghiên cứu tôi thực hiện trong thời gian ở đây đã góp phần quan trọng cho kết quả của nhóm nghiên cứu của lab và giúp tôi xây dựng được định hướng khoa học cho mình sau này.
Dù thời gian ngắn ngủi chỉ 3 tháng song kết quả nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp Nhật Bản đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành uy tín và tôi là đồng tác giả. Đây cũng là bài báo quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của tôi. Ngay sau khi về nước tôi tham gia khóa đào tạo nghiên cứu sinh, chuyên ngành Hóa sinh và tham gia đề tài của quỹ Nafosted. Đây cũng chính là đề tài tôi thực hiện để bảo vệ học vị Nghiên cứu sinh.
Năm 2020, tôi được công nhận học vị Tiến sĩ, tại thời điểm đó tôi đã có kinh nghiệm làm nghiên cứu, triển khai nghiên cứu, tổ chức làm việc nhóm, hợp tác với các nhóm nghiên cứu trong và ngoài trường. Học vị Tiến sĩ đối với tôi như một nền tảng ban đầu đưa tôi vào một chặng đường mới của cuộc đời khoa học của mình. Trong suốt thời gian vừa qua, vận dụng những kiến thức và kỹ năng có được, tôi đã triển khai nhóm nghiên cứu theo các hướng nghiên cứu trọng tâm, bám sát nhu cầu thực tế của nền Y học nước nhà với những nguồn lực hiện có để đảm bảo tính thực tiễn và giá trị khoa học. Những gì của tôi đạt được ngày hôm nay thực sự là kết quả của một quá trình phấn đấu của cá nhân và của cả nhóm nghiên cứu. Tôi thực sự biết ơn rất nhiều các Thầy Cô và các bạn đồng nghiệp trong và ngoài nước.
Tôi nghĩ rằng mỗi một nhà khoa học, dù nam hay nữ đều có những thách thức riêng và phải vượt qua. Tôi có một vài kỉ niệm mà khi nhớ lại sẽ giúp tôi thêm động lực để vượt qua những khó khăn trước mắt. Tôi nhớ khi làm đề tài thạc sĩ thì con thứ nhất của tôi bắt đầu học mầm non, bạn ấy rất hay ốm, mỗi khi con ốm tôi lại phải xin nghỉ chăm sóc cháu, vì vậy thời gian nào cháu không ốm tôi thường tranh thủ các thí nghiệm cả buổi trưa để hoàn thành kế hoạch nghiên cứu đã đặt ra.
Rồi thời điểm bắt đầu chắp bút viết đề cương để xin đề tài Nafosted là lúc con thứ 2 của tôi khá nhỏ, cháu hay quấy về đêm, tôi thường viết ban đêm, vừa viết vừa chạy vào dỗ con. Khi làm đề tài Nghiên cứu sinh, lúc này tôi bắt đầu kiêm nhiệm tại Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Công việc tại bệnh viện thì vất vả và áp lực liên tục, công việc buổi sáng chỉ kết thúc vào 12h trưa và 13h30 phải quay lại ca làm việc buổi chiều.
Để hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu, tôi và nhóm nghiên cứu thường xuyên phải thực hiện các thí nghiệm xuyên trưa và quay trở lại lab để đọc kết quả vào cuối giờ chiều. Sau này, khi có dịp ra nước ngoài học tập thì tôi thấy các nhà khoa học cũng thường làm việc cả buổi trưa với các hoạt động như working lunch (vừa họp, trao đổi vừa ăn trưa…). Điều này cũng được tôi áp dụng cho nhóm nghiên cứu của mình và tôi thấy khá hiệu quả.
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan cùng đồng nghiệp thảo luận với chuyên gia tại Trường Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ.
- Bà có thể chia sẻ những dự định sau khi được công nhận đạt chuẩn chức danh PGS ngành Y học?
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan: Sau khi được công nhận đạt chuẩn chức danh PGS ngành Y học cũng đồng nghĩa với việc tôi phải xác định và xây dựng các hoạt động nghiên cứu khoa học tương lai chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Trong đó, việc xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu của mình đồng thời tăng cường hợp tác với các nhóm nghiên cứu mạnh khác trong và ngoài nước theo tôi là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu đề ra. Hiện nay nhóm nghiên cứu của tôi đang hợp tác với PGS.TS. Phạm Thị Vân Anh - Giám đốc Trung tâm dược lý lâm sàng trong lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng các thiết bị y tế chẩn đoán IVD. Chúng tôi hiện đang nhận được gần 10 đề xuất nghiên cứu trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các hợp tác với nhóm Dinh dưỡng và nhóm Nội tiêu hoá để thực hiện các nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ trong lĩnh vực gen di truyền cho trẻ béo phì và bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan cũng đang có kế hoạch triển khai trong năm 2025.
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan dành lời khuyên cho các bạn trẻ muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học:
"Với những trải nghiệm của mình thì tôi xin phép chia sẻ những suy nghĩ ở góc độ cá nhân, hi vọng bạn trẻ nào đam mê nghiên cứu có thể thấy phù hợp và hữu ích. Trong nghiên cứu khoa học, có đam mê là điều kiện cần để theo đuổi con đường này, tuy nhiên để bước đi vững vàng trên con đường nhiều chông gai này, phải có các điều kiện đủ, đó là chăm chỉ, chịu khó, kiên trì vượt qua các khó khăn trước mắt để đạt mục tiêu lâu dài. Và điều quan trọng là phải có sự định hướng, hỗ trợ của các nhà khoa học có uy tín. Vì vậy việc tham gia vào các nhóm nghiên cứu mạnh của các thầy các cô chính là bước đầu tiên để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học đầy chông gai tuy nhiên cũng có nhiều trái ngọt. Tôi xin chúc các bạn trẻ gặt hái được nhiều thành công!
Một lĩnh vực mới về dịch tễ học di truyền cũng là một hướng phát triển khá mới mẻ mà tôi có cơ hội được tham gia dưới sự hỗ trợ của PGS.TS. Lê Minh Giang và PGS.TS. Trần Thị Thanh Hương - Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng. Hiện tôi sắp quay trở về Việt Nam sau khóa tập huấn 3 tháng về lĩnh vực này tại Trường Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ. Đây là lĩnh vực rất hứa hẹn cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di truyền y học và dịch tễ học phân tử.
Song song đó, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đang tập trung nghiên cứu về chiết xuất và đánh giá tác dụng của exosome - các túi tiết của tế bào trong các ứng dụng y học. Đây cũng là đề tài cấp Nhà nước mà tôi làm chủ nhiệm đề tài đang chuẩn bị được phê duyệt. Với định hướng này, chúng tôi phối hợp với các nhóm nghiên cứu ở Nhật Bản và Hàn Quốc để trao đổi thông tin và chia sẻ về công nghệ. Hướng nghiên cứu về tế bào, các chế phẩm của tế bào, đặc biệt có nguồn gốc từ tự nhiên là một hướng chuyên sâu mà nhóm chúng tôi đang phối hợp với các chuyên gia của Liên bang Nga.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan. Chúc bà luôn mạnh khỏe và có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn!
TPO - Bà Trần Ngọc Mai (SN 1991, quê Bình Lục, Hà Nam), làm việc tại khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng, ứng viên phó giáo sư (PGS) ngành Kinh tế là tân PGS trẻ nhất năm 2024.
Bà Mai tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, ngân hàng và thị trường tài chính tại Đại học Nebraska, Omaha, Mỹ, năm 2012. Ba năm sau, bà tốt nghiệp thạc sĩ ngành Kinh tế và tài chính; chuyên ngành Ngân hàng và tài chính tại trường Đại học London, Queen Mary, Anh.
Sau khi nhận bằng tốt nghiệp ứng viên Trần Ngọc Mai về nước và công tác tại Học viện Ngân hàng và nhận bằng tiến sĩ năm 2021 tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Tân PGS Trần Ngọc Mai là giảng viên bộ môn Thanh toán Quốc tế, Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng từ 9/2013 đến 11/2014.
Từ 12/2014 đến nay, bà Mai là giảng viên Bộ môn Đầu tư Quốc tế, Khoa Kinh doanh Quốc tế, Học viện Ngân hàng.
Từ tháng 9/2014 đến tháng 9/2015, PGS Mai học chương trình thạc sĩ Tài chính Ngân hàng tại trường đại học London, Queen Mary, Anh Quốc.
Từ tháng 11/2016 đến tháng 1/2021, tân PGS học chương trình tiến sĩ Kinh tế Quốc tế tại trường đại học Ngoại thương, Việt Nam.
Hiện nay bà là phó chủ nhiệm Bộ môn Đầu tư Quốc tế, Khoa Kinh doanh Quốc tế, Học viện Ngân hàng.
Các hướng nghiên cứu chủ yếu của bà gồm: Nghiên cứu vĩ mô về đầu tư quốc tế, thương mại quốc tế và phát triển kinh tế bền vững; Nghiên cứu vi mô về quản trị hành vi và thực hành kinh doanh bền vững.
Trong quá trình nghiên cứu, bà Trần Ngọc Mai công bố 31 bài báo khoa học, trong đó 6 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín sau khi được công nhận tiến sĩ.
Nữ ứng viên này cũng chủ trì 2 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở được nghiệm thu với kết quả giỏi và xuất sắc, tham gia viết 2 sách tham khảo chuyên ngành.
Ngoài ra, tân PGS Mai còn tích cực hỗ trợ và định hướng các giảng viên trẻ và sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện Ngân hàng.
Bên cạnh PGS Trần Ngọc Mai, còn 3 ứng viên đạt chuẩn chức danh PGS thuộc thế hệ 9X gồm: Nguyễn Thị Hoa Hồng, Vũ Thu Trang, Nguyễn Hoàng Chung.
Theo danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2024 do Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố, bà Trịnh Thị Diệu Thường, 44 tuổi, ứng viên giáo sư ngành Y học là nữ giáo sư trẻ nhất đạt chuẩn chức danh năm nay.
Năm 2024, có tổng số 45 ứng viên giáo sư, 570 ứng viên phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh. Trong danh sách ứng viên giáo sư được công bố, có 7 giáo sư nữ. Trong đó, nữ giáo sư trẻ nhất sinh năm 1980 (44 tuổi).
Bà Trịnh Thị Diệu Thường sinh ngày 2.8.1980, quê xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; hiện là Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế.
Bà Thường tốt nghiệp ngành Y học, chuyên ngành Y học cổ truyền tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh năm 2005. Lần lượt các năm 2009, 2014, bà nhận bằng Thạc sĩ rồi Tiến sĩ Y học, chuyên ngành Y học cổ truyền tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Năm 2018, bà được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư ngành Y học.
Năm 2006, bà Thường làm giảng viên tại Bộ môn Châm cứu, Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Cơ sở 3. Từ năm 2015 đến tháng 8.2023, bà giữ chức Trưởng Bộ môn Châm cứu, Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Trưởng Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, bà được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế.
Các hướng nghiên cứu chủ yếu của bà Trịnh Thị Diệu Thường gồm: Châm cứu phục hồi vận động sau đột quỵ; Nhĩ châm điều trị các bệnh lý thường gặp; Các hình thức châm cứu khác điều trị các bệnh lý thường gặp; Tiêu chuẩn chẩn đoán các hội chứng, bệnh cảnh lâm sàng và đặc điểm sinh lý của huyệt; Kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong khám phá, phát triển thuốc mới.
Tới nay, bà đã công bố 116 bài báo khoa học, trong đó có 23 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín; chủ nhiệm và hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học với 2 đề tài cấp tỉnh, 1 đề tài cấp thành phố.
Bà Thường cũng đã xuất bản 14 cuốn sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên, đều thuộc nhà xuất bản có uy tín, gồm 11 sách giáo trình, 2 sách tham khảo và 1 sách chuyên khảo. Đồng thời, hướng dẫn chính 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.
Bà Thường từng được trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2007-2008 và liên tục từ năm 2013 đến năm 2022; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ các năm học: 2014-2016, 2017-2019; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế các năm học: 2014-2015, 2016-2017; Bằng khen của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng năm 2016, 2019; Bằng khen của Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh năm 2018. Năm 2021, bà được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ.
Năm nay, Hội đồng Giáo sư ngành Y học có 3 ứng viên được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư. Ngoài bà Trịnh Thị Diệu Thường, 2 tân giáo sư còn lại của ngành Y gồm: ông Phạm Lê An, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và bà Trần Phan Chung Thủy, Khoa Y, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Tính chung tất cả các ngành, tân giáo sư trẻ nhất năm 2024 sinh năm 1984 (40 tuổi), là ông Hoàng Lê Trường, ngành Toán học. Ông Hoàng Lê Trường hiện công tác tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đã có 30 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín. Trong đó, có 18 bài đăng trên tạp chí thuộc nhóm Q1.
Năm 2016, ở tuổi 32, ông Trần Xuân Bách được công nhận chức danh Phó giáo sư ngành Y học - là Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó. Năm 2023, sau 7 năm, ở tuổi 39, ông tiếp tục trở thành Giáo sư trẻ nhất Việt Nam.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Trong đó, có 58 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, 572 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh phó giáo sư.
Ông Trần Xuân Bách, sinh năm 1984 (39 tuổi) - giáo sư ngành Y học là 1 trong 3 người trẻ nhất được công nhận chức danh giáo sư năm nay.
Giáo sư Trần Xuân Bách sinh ngày 05.10.1984, quê ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội. Hiện nay, ông là Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội. Đồng thời, thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đại học khác như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học VinUni.
Ông Trần Xuân Bách được cấp bằng Tiến sĩ ngành Y tế công cộng; chuyên ngành Chính sách và Dịch vụ y tế tại Đại học Alberta, Canada vào năm 2012. Tới năm 2016, ở tuổi 32, ông được công nhận chức danh phó giáo sư ngành Y học - là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó.
Năm 2019, ông Trần Xuân Bách được Đại học Johns Hopkins (Mỹ) bổ nhiệm chức danh Giáo sư (kiêm nhiệm), trở thành một trong những Giáo sư trẻ tuổi nhất của trường đại học danh tiếng này.
Giáo sư Trần Xuân Bách nghiên cứu 3 hướng chủ yếu, gồm Kinh tế Y tế, Dịch vụ Y tế và Chính sách Y tế (đã xuất bản 34 bài báo, 4 cuốn sách); Mô hình hóa kinh tế và dịch tễ ứng dụng trong dự báo và kiểm soát bệnh tật toàn cầu: (39 bài báo, 5 cuốn sách); Kinh tế lượng ứng dụng trong Công nghệ Y tế số (24 bài báo).
Tới nay, Giáo sư Trần Xuân Bách đã hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ; trong đó, hướng dẫn chính 2 nghiên cứu sinh; đã hướng dẫn 25 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn ThS/BSNT.
Ông là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm 11 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong đó, chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã nghiệm thu; chủ nhiệm/đồng chủ nhiệm 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đã nghiệm thu. Ông đã công bố 97 bài báo khoa học, trong đó có 92 bài báo khoa học tiêu biểu trên các tạp chí quốc tế có uy tín (71 bài là tác giả chính); xuất bản 9 cuốn sách, đều thuộc nhà xuất bản có uy tín.
Giáo sư Trần Xuân Bách từng đạt rất nhiều giải thưởng, huân chương, huy chương, danh hiệu như Giải thưởng “Healthy Women, Healthy Economies” của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2022; Giải Nhì Chiến sỹ thi đua cấp Bộ Y tế, 2021-2022; Highly Cited (Top 1%) Researcher by Clarivate 2022; Research.com Rising Star of Science Award 2022.
Ông cũng từng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2018 và năm 2020; Bằng khen của Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2020; Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2017; Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở của Trường Đại học Y Hà Nội 5 năm liền từ 2016-2021.
Giải thưởng Khoa học - Công nghệ “Quả Cầu Vàng” năm 2018; Giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017; Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016; Giải thưởng Khởi đầu Sự nghiệp của Đại học Alberta, Canada, 2017; Giải thưởng Noam Chomsky Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu 2020.
Ngoài Giáo sư Trần Xuân Bách, năm 2023, có 2 giáo sư khác cùng sinh năm 1984 (39 tuổi) được công nhận chức danh giáo sư, gồm: ông Nguyễn Đại Hải, Giáo sư ngành Hoá học, Phó Viện trưởng kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, Viện Công nghệ Hoá học, Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam và ông Đoàn Thái Sơn, Giáo sư ngành Toán học, Quyền Viện Trưởng Viện Toán học, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Năm 2023, có 985 ứng viên đăng kỷ xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng chỉ có 824 ứng viên nộp hồ sơ. Sau vòng xét duyệt của các Hội đồng Giáo sư cơ sở, có 744 ứng viên được đề xuất gửi lên Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành.
Sau khi các Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành xét duyệt, có 651 ứng viên được xét đạt và đề xuất đạt tiêu chuẩn gửi lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Tuy nhiên, sau đó có 3 ứng viên phó giáo sư nộp đơn xin rút nên chỉ còn 648 ứng viên. Đến vòng cuối cùng, có 18 ứng viên không đạt tiêu chuẩn.